Japan's Lost Decade

 



Tưởng tượng bạn là một nhân viên tại công ty Nhật vào năm 1985, với công việc ổn định và nguồn tiết kiệm dư dả. Giá đất khi đó tăng chóng mặt sau mỗi năm. Bạn quyết định vay ngân hàng để mua bất động sản, để rồi khi giá đất tăng bạn sẽ bán nó để lấy lời. 


10 năm sau, bùm, bạn chìm sâu trong vũng nợ. 



Trong khi đó, nền kinh tế phát triển ì ạch, nợ công tăng cao, và Nhật dường như bị loại khỏi cuộc đua trên trường quốc tế.



--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1. Nguyên nhân của sự suy thoái kinh tế dài hạn ở Nhật

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Không có một nguyên nhân chính nào để lý giải cho sự suy thoái kinh tế của Nhật trong 20 năm qua, mà tất cả là sự hội tụ của nhiều yếu tố khác dẫn đến kết cục hiện nay.



1) Bong bóng BĐS - Khủng hoảng tài chính 1998


Hậu quả của việc vỡ bong bóng bất động sản là nợ xấu, và nợ xấu là tác nhân chính gây nên khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990. Nó đã khiến Nhật trọng thương với một vết sẹo dài hạn, nhiều ngân hàng bị phá sản hoặc phải cầu cứu từ chính phủ. Ngân hàng siết chặt tín dụng ra thị trường, doanh nghiệp có ít cơ hội tiếp cận vốn, người dân giảm chi tiêu đi, và tăng trưởng kinh tế dần chậm lại. 


Từ năm 1991-2003, GDP nền kinh tế Nhật tăng trưởng 1.14% hằng năm, và tiếp sau đó khoảng 1% mỗi năm từ năm 2000-2010, thấp hơn đáng kể với các nước đã phát triển khác. Khủng hoảng tài chính đã làm cho các doanh nghiệp lớn của Nhật như Toshiba, Sony, Panasonic, Sharp hụt hơi mất đà phát triển chiếm lĩnh thị trường vào những năm 1990 và 2000. Các đối thủ nặng ký trong khu vực: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan bắt đầu đuổi kịp và cạnh tranh gay gắt để có được thị phần trong các ngành công nghiệp điện tử, ôtô,... Nhật dần mất thị phần và từ đó tốc độ tăng trưởng cũng không thể hồi phục mạnh mẽ như trước, đồng thời mức tiêu dùng của người dân vẫn duy trì ở mức thấp hơn những năm 80 trước khi vỡ bong bóng. 



2) Hiệu quả của các chính sách tài khóa-tiền tệ


Khi nền kinh tế Nhật tăng trưởng chậm chạp vào thời kì hậu bong bóng, thủ tướng Nhật Miyazawa đã tiến hành đưa ra các gói chi tiêu khổng lồ vào các dự án công cộng. Lý thuyết kinh tế của Keynesian đã chỉ ra rằng chi tiêu chính phủ sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (mutiplier effect).


Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng vốn đã hoàn thiện ở Nhật khiến cho các khoản đầu tư mới cho đường cao tốc, cầu cống không còn là đòn bẩy cho phát triển kinh tế mấy. Cùng với thực trạng già hóa dân số, xây dựng thêm những tòa nhà chung cư, khu vui chơi giải trí gần như vô dụng bởi không có nhu cầu. Chính sự phân phối đầu tư không hiệu quả này đã thể hiện sự vớt vát trong tuyệt vọng của chính phủ đối với nền kinh tế, khi nó không giúp ít được gì cho phục hồi kinh tế mà còn để lại một gánh nặng nợ do thâm hụt chi tiêu chính phủ.



3) Đồng yên tăng giá


Đồng Yên mạnh không phải là nguyên nhân dẫn đến suy thoái ở Nhật, mà nó là chất xúc tác cho một bi kịch.


Vào những năm 1970-80, cùng với tiềm lực phát triển kinh tế của Nhật, các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật đã thu được lượng lớn số tiền thặng dư vốn. Tuy nhiên, khi đồng yên được điều chỉnh sau hiệp định Plaza từ khoảng 250 xuống còn 126 yên/USD vào năm 1986, ngành xuất khẩu Nhật bị đánh sứt đầu mẻ trán do giá bán ra nước ngoài tăng vọt. Những thặng dư tích lũy bấy giờ thay vì được tái đầu tư vào sản xuất, nay đã đổ vào thị trường tiêu dùng trong nước, và ngành bất động sản dần phất cánh diều bay. 


Việc doanh nghiệp Nhật thâu tóm các công ty và tài sản nước ngoài, trong đó có thương vụ Sony công bố mua lại hãng sản xuất phim Colombia Pictures, là những minh chứng cho thấy sự chi tiêu hào phóng từ túi tiền dường như không đáy của người Nhật. Những người đã tích góp từng đồng sau chiến tranh nay đã trở thành giới giàu có nhất thế giới, tận hưởng những thành quả sau những năm tháng khổ cực làm lụng cật lực không ngừng nghỉ. Ấy mà, sự hào quang của thời đại đó đã không kéo dài được bao lâu, và dần bị phai mờ khi cơn sóng thần bong bóng BĐS ập tới năm 1991.


Tuy nhiên, điểm đáng chú ý ở đây là, khi tăng trưởng thực của nền kinh tế Nhật tiệm cận gần 0% vào năm 1995, đồng yên đã lên đến điểm cao nhất từ trước đến giờ: 79 yên/USD. 


Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng giảm của giá trị của đồng tiền, một trong số đó là do sự chênh lệch về lãi suất. Tuy nhiên, ở trường hợp ở Nhật vào thập niên 90, chênh lệch lãi suất thực giữa Mỹ và Nhật thực chất không đáng kể.



Nếu như lãi suất thực bằng nhau, giá cả có thể sẽ là yếu tố quyết định cho sự thay đổi tỷ giá hối đoái. Suy thoái ở Nhật vào những năm 90 khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, giữ lạm phát ở mức thấp. Lạm phát thấp so với Mỹ đã làm tăng giá đồng Yên so với đồng USD do sức mua của đồng Yên được củng cố. Để đối phó với đồng Yên tăng giá, các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật đã hạ giá trên thị trường quốc tế để cạnh tranh và bảo vệ thị phần trên toàn cầu. 



Một số nhà nghiên cứu cho rằng căn nguyên của đồng yên mạnh là do hành động giảm giá xuất khẩu, cắt giảm chi phí của các doanh nghiệp. Điều này đã vô tình thúc đẩy xuất khẩu, làm tăng nhu cầu cho đồng yên để thanh toán hàng hóa Nhật xuất khẩu và khiến đồng Yên trở nên mạnh hơn như một vòng lặp.


Japan export 1970 - 2023. Source: World Bank


Đồng yên mạnh kéo dài buộc các công ty Nhật phải gồng mình cắt giảm chi phí và nâng cao năng suất để bảo đảm lợi nhuận. Khi đồng yên tăng giá, sản phẩm xuất khẩu của Nhật ở nước ngoài sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Cho dù có giảm giá xuất khẩu đi chăng nữa thì cả lợi nhuận lẫn sức cạnh tranh của các công ty Nhật đều dần bị suy yếu. 


Khi mà tình hình nền kinh tế trong nước ảm đạm, các công ty Nhật đã chuyển đầu tư trong nước sang nước ngoài. Đi theo đó là các chuyển dây chuyền sản xuất mới được thiết lập ở các nước đang phát triển, nơi có chi phí nhân công thấp. Dần dần, các doanh nghiệp không (trực tiếp) mở rộng sản xuất nội bộ mà tập trung vào đầu tư FDI và mua tài sản nước ngoài (portfolio investment). Hiện nay, Nhật là quốc gia chủ nợ lớn nhất thế giới, với tài sản nước ngoài lên tới 411 trillion yen (3.24 trillion USD) vào năm 2022


Sự sụt giảm niềm tin đối với nền kinh tế đã cắt đứt sợi dây đầu tư nội địa, nguồn lợi nhuận không được tái đầu tư trong nước mà bị đem ra nước ngoài; và thiếu hụt đầu tư khiến năng suất dậm chân tại chỗ. Khi không có cải thiện năng suất thì cả nền kinh tế thực thể lẫn tiền lương người dân sẽ không có động lực tăng trưởng; bởi nền kinh tế chỉ có thể phát triển bền vững dựa trên cơ sở tăng trưởng năng suất và tiềm lực sản xuất chứ không phải từ những gói kích thích của chính phủ.


Thặng dư sản xuất sẽ sinh ra nhu cầu tiêu dùng, tiết kiệm. Tiêu dùng sẽ ngày càng kích thích các ngành nghề liên quan, và tiết kiệm sẽ trở thành nền tảng cho sự đầu tư trong tương lai. Mất đi mắt xích quan trọng này đã khiến Nhật mất đi sinh lực "tái xuất giang hồ" so kè với chú Sam bên kia bờ.



 

Thêm nữa, để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp Nhật phải cắt giảm và tối ưu hóa chi phí nhân công. Các biện pháp bao gồm nới lỏng quy định tuyển dụng nhân viên tạm thời (非正規雇用) và thuê nhân công nước ngoài giá rẻ thông qua các chương trình thực tập sinh từ các nước Đông Nam Á.


Chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật đã vô tình đẩy cơ cấu lương cơ bản lao động nội địa vào mức thấp, đồng thời làm cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào chiến lược cạnh tranh về chi phí nhân công thay vì nâng cao chất lượng và năng suất của đội ngũ nhân công. Điều này là làm cho xã hội Nhật rơi vào vòng xoáy:


Lương thấp, chi tiêu thấp, năng suất không tăng, cạnh tranh kém, tăng trưởng chậm

Thuê nhân công rẻ và bán thời gian để giảm chi phí



4) Dân số già hóa


Dân số 126 triệu người năm 2020 được dự báo sẽ giảm suống 80 triệu người vào 50 năm sau. Áp lực về hệ thống y tế, phúc lợi xã hội cho người già ngày càng tăng, trong khi lực lượng lao động trẻ thì lại đang thu nhỏ đã đang là tiếng chuông báo động cho tương lai, và thậm chí thủ tướng Nhật Kishida đã cảnh báo rằng Nhật Bản đang trên bờ vực mất chức năng vận hành xã hội do già hóa dân số. Đây là nguyên nhân mang tính hệ thống cho xã hội Nhật, và chính phủ Nhật đang tìm cách lấp đầy khoảng trống bằng người nước ngoài và hấp thụ nguồn lao động giá rẻ từ các nước Đông Nam Á. 


Một số người cho rằng người già sẽ thúc đẩy tiêu dùng từ các khoản tiết kiệm tích góp từ bấy lâu nay. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy điều này. Chính phủ Nhật nên hành động để khuyến khích tăng tỷ lệ sinh con qua những ưu đãi hỗ trợ chi phí nuôi dạy trẻ em, hoặc có những cải cách về chế độ làm việc để đảo ngược thực trạng hiện nay.



--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

2. Biện pháp để cứu nền kinh tế Nhật khỏi suy thoái

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Chính phủ Nhật đã thực hiện đủ mọi cách để vực dậy nền kinh tế, song hầu hết chính sách đều không phát huy được hết tác dụng của nó. 


a) Dân số già hóa


Cần có nhiều hơn những thay đổi trong môi trường làm việc để có thể chống lại cuộc khủng hoảng dân số già. Số tuổi nghỉ hưu nên được kéo dài, những người có thâm niên cao có năng lực nên được trọng dụng khi họ còn sức khỏe. Khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động có thể là một giải pháp, nhưng đồng thời cần tăng cường hỗ trợ chi phí lẫn dịch vụ nuôi dạy con, vì khi phụ nữ đi làm thì con cái của họ cần được chăm sóc.


b) Cơ cấu lương doanh nghiệp


Một vấn đề nữa đó là tiền lương. Theo quy luật cung cầu, nếu số người lao động giảm mà nhu cầu vẫn như cũ thì lương sẽ tăng lên do thiếu nguồn cung. Nhưng tiền lương ở Nhật hầu như không tăng mạnh, chỉ khoảng 5% so với 35% ở các nước phát triển khác trong suốt 30 năm qua.




Như ở trên đã chỉ ra, ngoài việc tăng trưởng năng suất thấp, một nguyên nhân cho sự trì trệ này là do chiến lược cắt giảm chi phí của các doanh nghiệp Nhật để cạnh tranh. Điều này có thể thành công trong ngắn hạn, nhưng lại làm suy yếu các nguồn lực để phát triển nền kinh tế trong dài hạn, khi mà năng suất, tiêu dùng và tiết kiệm của người dân đều đi ngang.


Có lẽ chính phủ Nhật nên xem xét lại mô hình chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, liệu có nên cạnh tranh về năng suất thay vì cạnh tranh về giá. Bởi vì chỉ có năng suất mới là thước đo chính xác nhất để phản ánh giá trị nội tại của một tổ chức; và gia tăng đầu tư vào công nghệ, nhân lực chính là chìa khóa bước ra vòng luẩn quẩn "thắt lưng buộc bụng".



b) Chính sách kinh tế


Chính phủ Nhật đã rất nhiều lần nỗ lực cứu vãn nền kinh tế. Trong số đó, đặc biệt nhất là chính sách Abenomics của cựu thủ tướng Abe từ năm 2012 với 3 mũi tên chính:

(1) tăng lượng cung tiền từ 60-70 nghìn tỷ yên qua việc mua trái phiếu chính phủ để đạt mục tiêu lạm phát 2% và có lợi cho xuất khẩu; 

(2) tăng chi tiêu chính phủ và các chương trình kích cầu để đạt tăng trưởng trong ngắn hạn; 

(3) cải cách trong nhiều lĩnh vực như hành chính doanh nghiệp, luật sa thải, tạo điều kiện cho các nhà khởi nghiệp để thúc đẩy đầu tư cho các công ty tư nhân.


Nền kinh tế Nhật đã hồi phục chút đỉnh vào năm 2015, nhưng nhìn chung vẫn có xu hướng đi ngang. Khi mà năng suất không tăng cùng với mức lương không đổi, cho dù có bao nhiêu gói kích thích kinh tế đi chăng nữa thì nền kinh tế cũng sẽ chỉ tăng trưởng trong ngắn hạn, như tia sáng vừa lóe lên đã bị dập tắt.




Kết


Trải qua hơn 2 thập kỷ tăng trưởng nằm ngang, Nhật Bản trở thành như một cuốn sách lịch sử đầy gai góc chứa đựng những bài học và kinh nghiệm xương máu. Cuộc khủng hoảng tài chính và bong bóng BĐS đã qua đi hơn hai thập kỷ, và nó không nên là cái cớ để Nhật Bản tiếp tục đổ lỗi cho sự suy thoái kéo dài đến tận ngày nay. Do đó, cải cách về cả kinh tế lẫn chính trị sẽ là con đường giúp Nhật có thể để đảo ngược tình thế này. 


・Liệu Nhật có nên phát triển dựa vào xuất khẩu hay nhu cầu nội địa? 

・Đâu là điểm nên được cân bằng giữa đầu tư công (tài khóa), chính sách tiền tệ và chi tiêu của người dân? 

・Làm thế nào để gia tăng năng suất cho nền kinh tế trong nước? ... 


Những câu hỏi trên sẽ là gợi ý dẫn đường quan trọng cho Nhật Bản chuyển hóa thành một nền kinh tế sống, năng động hơn trong tương lai.





References:

https://econwpa.ub.uni-muenchen.de/econ-wp/if/papers/0404/0404017.pdf : Weak Economy and Strong Currency – the Origins of the Strong Yen in the 1990’s (2004)

https://www.adb.org/sites/default/files/publication/159841/adbi-wp521.pdf : Japan's Lost Decade: Lessons for Other Economies (2015)

https://shs.hal.science/halshs-01415428/document : Abenomics: Has it worked? Will it fail? (2016)

https://www.rieti.go.jp/jp/publications/dp/06e012.pdf: Has the Credit Crunch Occurred in Japan in 1990s? (2005)


https://www.ier.hit-u.ac.jp/Common/publication/DP/DP439.pdf: Bad Loans and Their Impacts on the Japanese Economy: Conceptual And Practical Issues, and Policy Options (2003)

https://www.imes.boj.or.jp/research/papers/english/me19-s1-5.pdf: Policy Responses to the Post-Bubble Adjustments in Japan: A Tentative Review (2001)

https://www.rieti.go.jp/jp/publications/pdp/13p021.pdf: Explaining Japan’s Unproductive Two Decades (2013)

https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2094451: Japan’s Experience with Fiscal Policy in the 1990s in the Aftermath of the Bubble Economy (2012)

Comments

Popular posts from this blog

"Khoảng không" trong Khủng hoảng Tài chính 2008

Russo - Ukraine conflict: A just or unjust war?