Fiscal & Monetary policy

 




Khi doanh nghiệp bạn gặp khó khăn, bạn đòi chính phủ phải hỗ trợ bạn. 


Khi bạn thiếu vốn duy trì hoạt động, bạn đòi chính phủ phải cung cấp tiền để hỗ trợ bạn. 


Nhưng đâu chỉ mỗi bạn gặp khó khăn, cả nền kinh tế đều rơi vào suy thoái. Vậy làm cách nào để chính phủ có thể chống lưng cho nền kinh tế vượt qua khỏi khủng hoảng. 


Câu trả lời chính là chính sách tiền tệ & tài khóa.



--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1. Chính sách tài khóa - fiscal policy

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Chính sách tài khóa bao gồm chi tiêu của chính phủ và việc tăng giảm thuế nhằm can thiệp vào nền kinh tế. Chính sách này thường được chính phủ các nước dùng như một công cụ để thúc đẩy nền kinh tế ra khỏi suy thoái, hoặc để tái phân phối của cải quốc gia.


Về ngắn hạn, chính sách tài khóa có thể tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng và sản xuất, từ đó nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, về dài hạn, hiệu quả của chính sách tài khóa phụ thuộc vào hệ thống tỷ giá hối đoái.


Để tài trợ cho các khoản chi tiêu vào các dự án công và nguồn thu từ thuế giảm, chính phủ phải vay nợ nếu không đủ ngân sách. Khi đó, nhu cầu vay vốn tăng lên từ phía chính phủ, và lãi suất sẽ dần tăng để thu hút nguồn vốn. Ngoài ra, khi sản lượng đầu ra tăng lên, nhu cầu về tiền trên thị trường được gia tăng để trao đổi hàng hóa. Việc này cũng sẽ dẫn đến các ngân hàng tăng lãi suất.




Biểu đồ trên miêu tả hiệu quả dài hạn của các chính sách tài khóa dưới hệ quy chiếu là tỷ lệ hối đoái và sản lượng sản xuất (output). Tổng cầu tăng khiến đường cầu DD1 dịch sang phải về DD2, làm tăng output của nền kinh tế.


Lãi suất tăng sẽ khiến tỷ giá hối đoái cao hơn, đồng tiền mạnh hơn. Nhưng nó sẽ làm cho đồ nhập khẩu rẻ đi và hàng xuất khẩu đắt hơn. Sản phẩm nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước, nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa cũng giảm đi, dẫn đến kết cục tổng cầu trước đó tăng giờ lại suy yếu. Dần dà, sản lượng trong nước sẽ lại rớt về mức ban đầu trước các biện pháp chi tiêu công do thiếu cầu Đường cung AA1 dịch về AA2, về lại mức output ban đầu trước khi chính phủ can thiệp.


Lý thuyết trên chứng minh rằng chi tiêu công ắt sẽ có hiệu quả trong ngắn hạn, khi tổng cầu tăng kích thích tiêu dùng, sản xuất và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Nhưng nếu chính phủ không thể giúp các doanh nghiệp gia tăng được năng suất, thì tăng trưởng kinh tế chỉ là một bài toán nhất thời không có tính bền vững. 


Nhìn thì có vẻ giàu, nhưng bên trong là trống rỗng. Một nền kinh tế mà không có giá trị nội tại thì cũng giống như trọc phú mới nổi nhờ trúng số, rồi sẽ có lúc tàn.



--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

2. Chính sách tiền tệ - monetary policy

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Chính sách tài khóa là công cụ của chính phủ, còn chính sách tiền tệ lại thuộc quyền kiểm soát của ngân hàng trung ương của quốc gia, vốn là tổ chức độc lập với chính phủ. 


Như cái van tiết lưu, các ngân hàng tác động lên nền kinh tế bằng cách điều chỉnh lượng cung tiền vào thị trường qua việc tăng giảm lãi suất, lượng dự trữ bắt buộc hay mua các trái phiếu chính phủ / ngoại tệ. 


Trong ngắn hạn, các biện pháp tiền tệ sẽ làm tăng tổng cầu của nền kinh tế. Để làm điều đó, ngân hàng sẽ phải cắt giảm lãi suất, chi phí vay giảm làm tăng tín dụng chi tiêu của các cá nhân và doanh nghiệp.


Khác với chi tiêu chính phủ vốn có khả năng đẩy lãi suất lên cao, chính sách tiền tệ phải bắt đầu từ giảm lãi suất, từ đó làm mất giá đồng tiền. Tiền mất giá sẽ khiến cho hàng trong nước rẻ hơn nước ngoài, kích thích xã hội tiêu dùng và củng cố ngành xuất khẩu. Thặng dư của cải được tạo ra, và nguồn vốn này là nền tảng cho hiệu ứng tiêu dùng lan truyền cho các lĩnh vực ngành nghề khác, thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển.




Như hình trên, tổng cung tiền tăng từ chính sách tiền tệ khiến đường cung AA1 di chuyển sang phải ở vị trí AA2, tổng sản lượng output được tăng lên và đồng tiền bị mất giá đi do lãi suất thấp.


Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp gia tăng sản xuất, tạo ra nhiều việc làm và hình thành nên áp lực tăng lương cho phần việc đã tăng. Nhu cầu tiêu dùng cùng với việc tăng lương ngày càng cao sẽ đẩy mặt bằng giá cả leo thang. 


Vậy, khi cả vật giá và tiền lương đều tăng, chuyện gì sẽ xảy ra?


Tưởng tượng bạn đang có 1 đồng, và bạn thường dùng 1 đồng đó để mua 1 món đồ. Nhưng rồi khi ngân hàng bơm tiền vào thị trường để kích thích nền kinh tế, bạn có thêm 1 đồng. Với thu nhập 2 đồng đó, bạn mua được thêm 1 món nữa, và các doanh nghiệp phải sản xuất nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của bạn. Nền kinh tế bắt đầu sôi động trở lại.


Lương tăng, nhu cầu tiêu dùng tăng, vật giá cũng dần lên cao. Khi này, giá cả của món hàng bạn mua đã chạm mức 2 đồng. Lúc này, bạn chỉ có thể mua được 1 món dù đã được tăng thu nhập lên 2 đồng. Nhu cầu giảm buộc các công ty sản xuất ít đi, sản lượng output của nền kinh tế quay về như cũ.


Cho dù giá cả không tăng đến mức 2 đồng và bạn vẫn có thể mua được nhiều hơn 1 món hơn trước, thu nhập thực của bạn sẽ rớt xuống còn 1 đồng khi các chính sách tiền tệ chấm dứt. Điều tương tự sẽ diễn ra như tình huống trên. 


Để nền kinh tế tăng trưởng thì bánh xe sản xuất - tiêu dùng phải luôn xoay đều, chỉ cần một trục trặc nhỏ là đủ khiến cho vòng quay chựng lại. Khi được kích thích cung tiền, kinh tế sẽ phát triển cho đến khi lượng tín dụng đó bị bão hòa do giá cả tăng cao ( = lạm phát) hoặc sợi dây tín dụng bị cắt đứt. 


Đây chính là lý thuyết về tính trung lập của tiền (monetary neutrality). Lý thuyết này cho rằng việc tăng nguồn cung tiền trong nền kinh tế sẽ chỉ ảnh hưởng đến các biến số danh nghĩa như giá cả, tiền lương, tỷ giá hối đoái; còn các biến số thực như lượng việc làm, năng suất, sản lượng hàng hóa, GDP thực sẽ không thay đổi trong dài hạn.


Mặc dù bức tranh dài hạn nhìn có vẻ âm u, các chính sách tiền tệ được xem là vị cứu tinh khi nền kinh tế bị tổn thương nặng nề. Khi đó, Ngân hàng Trung ương sẽ đóng vai trò nhân vật chính, thị trường tín dụng và lãi suất như một công cụ, và niềm tin của nhân dân là nền tảng quan trọng không thể thiếu.



a) Nới lỏng định lượng (Quantitative easing)


Về bản chất, QE bao gồm việc Ngân hàng Trung ương mua cái tài sản như trái phiếu chính phủ, chứng khoán, các chương trình cho vay trực tiếp hoặc các khoản hỗ trợ tín dụng; tất cả nhằm bổ sung thanh khoản cho thị trường thông qua việc bơm tiền vào nền kinh tế. 


Ví dụ, Ngân hàng Trung ương (central bank) mua 500 tỷ chứng khoán từ ngân hàng thương mại T (trong đó có cổ phiếu, trái phiếu,...). Lúc này, ngân hàng TM có 500 tỷ tiền mặt sẵn sàng lưu thông trên thị trường do lượng chứng khoán được đổi sang tiền giấy. Cung tiền tăng, và lãi suất giảm đi để thu hút mọi người đi vay nguồn vốn dồi dào này.


Nhưng central bank sẽ không thể trực tiếp giảm lãi suất cả thị trường tín dụng. Thay vào đó, họ sẽ giảm lãi suất chiết khấu (discount rate) và lãi suất liên ngân hàng (interbank rate; hay còn gọi là overnight rate)


Lãi suất chiết khấu là mức lãi suất đối với các khoản vay từ central bank cho các ngân hàng thương mại, còn lãi suất liên ngân hàng được áp dụng giữa các ngân hàng thương mại với nhau. Bằng nhau giảm chi phí vay từ hệ thống các ngân hàng trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất cho thị trường sẽ được hạ thấp. Lãi suất thế chấp, vay ngân hàng, nợ doanh nghiệp từ đó cũng giảm xuống, dòng thác tín dụng cuồn cuồn đổ vào các ngành sản xuất, chứng khoán và nhà đất.



b) Kiểm soát đường cong lãi suất (Yield curve control)


Tương tự với QE, Yield curve control cũng là cách central bank giảm lãi suất để kích cầu nền kinh tế. YCC chủ yếu được thực hiện ở thị trường trái phiếu, nơi central bank có thể dễ dàng can thiệp mua bán trái phiếu để kéo lãi suất trái phiếu tăng giảm đến mức mục tiêu. 


Tuy nhiên cả hai khác ở chỗ, Yield curve control nhắm đến lãi suất dài hạn, còn QE lại điều chỉnh lãi suất về ngắn hạn. Trong khi QE nghiêng về việc thu mua một lượng lớn số lượng trái phiếu, Yield curve control lại tập trung vào giá trị của trái phiếu để điều chỉnh lãi suất.


Dưới QE, central bank thường công bố lượng trái phiếu mà ngân hàng định mua, ví dụ như khoảng 1 tỷ đô. Nhu cầu trái phiếu tăng sẽ đẩy giá trị trái phiếu tăng theo. Do lãi suất và giá trị trái phiếu tỷ lệ nghịch với nhau, giá trái phiếu tăng sẽ kéo lãi suất trái phiếu giảm trong ngắn hạn.


Dưới Yield curve control, central bank cam kết sẽ mua trái phiếu bất kể số lượng cho đến khi nào lãi suất trái phiếu giảm xuống mục tiêu kỳ vọng. Nếu tin tưởng vào central bank, lãi suất của thị trường sẽ được hạ bằng lãi suất kỳ vọng trong dài hạn; bởi vì không ai dại mà không mua giá rẻ rồi sau đó bán cho central bank giá cao hơn (giá cả trái phiếu tỷ lệ nghịch với lãi suất). 


Giả dụ, anh Tèo mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm được định giá ban đầu ở 1000$ với tiền lãi 50$ hàng năm. Khi đó lợi suất (coupon yield) của anh Tèo là 5%. Nếu như anh Tèo bán đi và giao dịch lại trái phiếu ở 1400$, lợi suất (current yield) của anh rớt xuống còn 3.57%, do khoản lãi là cố định so với định giá ban đầu. 


Đột nhiên, FED công bố dự định sẽ neo lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 1%. Nếu như FED giữ lời hứa, giá trái phiếu cho đến 10 năm sau sẽ dần tăng lên ở mức khoảng 5000$ (50/5000=1%). Thấy vậy, anh Tèo lập tức mua trái phiếu và sẽ bán ra khi được giá. Anh Tèo không sợ là con cừu cuối cùng khi muốn bán trái phiếu bởi FED đã cam kết sẽ thu mua bất kể lượng trái phiếu để ổn định lãi suất. Thế là thị trường ào ạt mua trái phiếu, và FED không cần phải nhúng tay vào để giảm lãi suất.


Tuy nhiên, nếu như một ngày đẹp trời không ai chịu mua, FED sẽ phải hút lượng trái phiếu dư thừa để kìm chế đà tăng lãi suất.


Việc này đặt central bank lên bàn cân. Nếu như được thị trường ủng hộ, central bank sẽ không cần phải chi mạnh tay cho những lần thu mua trái phiếu để giảm lãi suất. Nhưng nó đồng nghĩa với việc trở thành đường thoát nước tiêu thụ lượng trái phiếu thừa thãi mỗi khi mưa bão ngoài thị trường.


Nhật đã thành công khi áp dụng biện pháp Yield curve control (YCC), trong những nỗ lực giảm lãi suất và kích thích kinh tế của chính sách Abenomics. Cho đến năm 2016, Banh of Japan (BOJ) đã phải mua lượng trái phiếu lên đến 100 nghìn tỷ yên hàng năm. Nhưng kể từ khi bắt đầu YCC, BOJ dần mua với tốc độ chậm hơn mà vẫn giữ được mức lãi suất thấp, giảm xuống còn khoảng 60 nghìn tỷ yên một năm.




Tuy nhiên, khi lạm phát xuất hiện, thị trường kỳ vọng lãi suất tăng. Lãi suất tăng sẽ khiến giá trái phiếu giảm, do đó các nhà đầu tư sẽ bắt đầu bán trái phiếu đi để chốt lời. 


Kể từ sau Covid-19, nền kinh tế Nhật dần hiện ra những dấu hiệu của lạm phát. Trong suốt 2 năm qua, lượng trái phiếu mà BOJ mua vào tăng đột biến; Bloomberg dự tính giá trị trái phiếu BOJ sở hữu sẽ phá mốc kỷ lục 125 nghìn tỷ yên vào cuối năm 2023. 



Theo thống kê của Japan Securities Dealers Association, trong tháng 7/2023 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã dẫn đầu làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ Nhật nhiều nhất kể từ đầu năm, tổng cộng gần 1.36 nghìn tỷ yên. Lãi suất trái phiếu đã tăng lên 0.655% trong tháng 8, cao nhất kể từ năm 2014.


Chưa nghỉ ngơi từ thành quả Yield curve control được bao lâu thì BOJ lại phải gồng mình chắn những cơn sóng bán tháo. Cụ thể, BOJ đã phải can thiệp bất ngờ vào thị trường trái phiếu đến 2 lần kể từ cuối tháng 7, hút hơn 700 tỷ yên để giảm đà tăng mạnh của lãi suất. 


Ví dụ trên của Nhật là bức tranh chân thực nhất miêu tả hai mặt của đồng xu "Yield curve control".



c) Nới lỏng định tính (Qualitative easing)


Trong khi ngôi sao "Quantitative easing" sáng nhất trong các diễn đàn tri thức đàm đạo về các chính sách kinh tế vĩ mô, người anh em cùng cha khác mẹ "Qualitative easing" đang ngồi dưới gầm giường lẻ loi một mình. 


Về bản chất, qualitative easing sẽ làm giảm giá trị tài sản của central bank, dịch chuyển sang các tài sản mang rủi ro cao hơn và có tính thanh khoản thấp.


Bằng việc bán ra những tài sản chất lượng tốt (ngoại tệ, trái phiếu chính phủ, vàng) và mua vào những tài sản chất lượng kém (nợ xấu ngân hàng, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp & tài sản, etc), central bank có thể tái cơ cấu chất lượng tài sản lưu thông trên thị trường, từ đó giảm rủi ro các doanh nghiệp sa lầy vào vỡ nợ hay phá sản. Qualitative easing có thể được thực hiện riêng lẻ, hoặc cùng với Quantitative easing (khi central bank mua nhiều hơn bán). 


Chúng ta thường chú trọng việc bơm thanh khoản vào thị trường mỗi khi nền kinh tế lao dốc. Nhưng nếu quan sát kỹ nguyên nhân cho sự suy thoái, phần nhiều các doanh nghiệp có các khoản nợ xấu và không có khả năng giải ngân đã làm tắc nghẽn dòng lưu thông tín dụng ở huyết mạch nền kinh tế, bổn phận trả nợ làm triệt tiêu động lực đầu tư và gia tăng sản xuất. Do đó, ổn định hệ thống tài chính bằng cách giải quyết các khoản nợ xấu và tài sản rác là điều kiện tiên quyết để cải thiện sức khỏe của nền kinh tế; nó tương tự việc bỏ thuốc lá để chữa viêm phổi.


Đó cũng chính là mục tiêu mà Qualitative easing nhắm tới.



Conclusion


Như vậy, có thể thấy các chính sách tiền tệ (Quantitative - Qualitative easing & Yield curve control) hay chính sách tài khóa đều có chung một nhược điểm: đó là tính hiệu quả trong ngắn hạn. Các chính sách này sẽ phù hợp khi làm chất kích thích để khởi động lại bộ máy kinh tế đang trong thời kì suy thoái. Nhưng để duy trì được đà phát triển đó thì cần có sự cải thiện từ bên trong hệ thống thông qua gia tăng năng suất.






References:


https://www.brookings.edu/articles/what-is-yield-curve-control/ 


https://cbonds.com/glossary/quantitative-and-qualitative-monetary-easing-qqe/


https://vi.wikipedia.org/wiki

 

https://www.investopedia.com/articles/investing/050615/fiscal-vs-monetary-policy-pros-cons


https://forum.vnforex.com/bai-viet/yield-curve-control-ycc.4200/ 


https://www.boj.or.jp/en/about/press/koen_2013/data/ko130412a1.pdf 


http://qualitativeeasing.weebly.com/what-is-qualitative-easing.html


https://www.nber.org/system/files/working_papers/w26002/w26002.pdf


https://virtusinterpress.org/IMG/pdf/cocv12i3c1p8.pdf


https://www.frbsf.org/economic-research/publications/economic-letter/2023/september/does-monetary-policy-have-long-run-effects/


https://files.stlouisfed.org/files/htdocs/conferences/annual/Farmer-QuaE-R2.pdf


https://www.bis.org/review/r171116a.pdf


https://www.carf.e.u-tokyo.ac.jp/wp/wp-content/uploads/2021/12/05niwa.pdf 


https://www.frbsf.org/economic-research/publications/economic-letter/2023/september/does-monetary-policy-have-long-run-effects/ 



https://www.frbsf.org/economic-research/publications/economic-letter/2023/september/does-monetary-policy-have-long-run-effects/


https://www.bis.org/review/r171116a.pdf


https://www.carf.e.u-tokyo.ac.jp/wp/wp-content/uploads/2021/12/05niwa.pdf


quantitative and qualitative monetary easing (qqe)




https://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,2005689,00.html


https://content.time.com/time/magazine/article/0,9171,2005689-2,00.html


https://www.indonesia-investments.com/culture/politics/item65


https://carnegieendowment.org/2020/01/23/is-indonesia-becoming-two-tier-democracy-pub-80876


https://www.ips-journal.eu/topics/democracy/indonesias-return-to-an-authoritarian-developmental-state-4734/













Comments

Popular posts from this blog

"Khoảng không" trong Khủng hoảng Tài chính 2008

Japan's Lost Decade

Russo - Ukraine conflict: A just or unjust war?